Trong năm 2019 vừa qua, phân khúc xe bán tải tại Việt Nam sau khi "thoát" được các khó khăn về điều kiện kinh doanh nhập khẩu ôtô như kiểm định theo lô, phải có giấy chứng nhận kiểu loại cho từng lô nhập khẩu (tại Nghị định 116/2017/NĐ-CP) thì đến tháng 4/2019, một lần nữa Chính phủ lại tăng cường kiểm soát đối với phân khúc này khi quyết định tăng phí trước bạ của dòng xe bán tải lên bằng 60% so với xe chở người cùng loại.
Chính vì vậy, cho dù doanh số phân khúc này trong năm 2019 tăng trưởng thêm khoảng 23% so với năm 2018, nhưng vẫn chưa thể đạt được "đỉnh" gần 24.300 xe của năm 2017.
Doanh số hơn 13.300 xe, với lợi thế phong phú về chủng loại và giá bán, nhiều trang thiết bị…, Ford Ranger khẳng định vị thế của mình ở phân khúc bán tải tại Việt Nam. Và dường như hãng xe Mỹ này đang muốn chiếm lĩnh vị trí này lâu dài, khi lên kế hoạch lắp ráp Ranger trong nước với một khoản đầu tư hơn 80 triệu USD để nâng công suất hiện tại ở Hải Dương (từ 14.000 xe/năm) lên 40.000 xe/năm.
Trong khi đó, Mitsubishi Triton dù có doanh số tháng 12/2019 cao hơn đối thủ Toyota Hilux nhờ sự ra mắt thế hệ mới tại Việt Nam, nhưng cũng không đủ giúp mẫu xe này giành được vị trí thứ 2 của Toyota Hilux, đành "ngậm ngùi" với vị trí thứ 3 tại phân khúc bán tải năm 2019.
Ở cuối danh sách này, ngoại trừ Nissan Việt Nam vẫn giấu kín doanh số của Navara, mẫu xe bán tải Nhật Bản - Isuzu D-Max đang đứng trước câu hỏi lớn về sự xuất hiện tại thị trường Việt Nam khi cả năm 2019 vừa qua chỉ bán được 368 chiếc, bất chấp các chương trình giảm giá và sự xuất hiện của phiên bản nâng cấp, với các trang thiết bị được đánh giá là không thua kém các đối thủ khác. Sự chậm trễ về thay đổi, định hướng sản phẩm bảo thủ (tập trung phân khúc giá rẻ và sản phẩm dành cho việc vận tải thuần tuý)... là những lý khiến Isuzu D-Max chưa thuyết phục được người tiêu dùng Việt Nam.
Việt Hưng
Đồ hoạ: Ngọc Diệp
Nhận xét
Đăng nhận xét